“Hãy chuyển ngôn ngữ của chiếc điện thoại bạn đang dùng thành tiếng Anh…”

Xét theo khía cạnh sư phạm hay khoa học gì gì đó, thì tôi không phải là đứa giỏi tiếng Anh. Tôi không có chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOELF (chắc là trong lúc này thôi, tương lai tôi có thể sẽ đi thi để lấy một hay một vài cái chứng chỉ đó, nếu như công việc yêu cầu), hồi đi học phổ thông, điểm kiểm tra, điểm thi hay điểm tổng kết của tôi đều chỉ làng nhàng 6,7 điểm cho môn tiếng Anh.

Thế nên bạn hãy hiểu rằng tôi sẽ không dạy bạn phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả, để dành điểm cao, hay để lấy được vài cái chứng chỉ nào đó, vì nếu làm như thế sẽ chẳng ai tin, và lại làm cho mấy người có tư duy sư phạm, mô phạm được cớ để lao vào chỉ trích, phê bình. Thế nên, trong bài viết này tôi đứng ngang hàng với các bạn, để tôi kể, kể và kể.

Tôi không biết mục đích của bạn khi học và sử dụng tiếng Anh là gì. Còn tôi, nó là một thứ tất yếu và bắt buộc phải có. Thực ra, lúc đầu tôi ghét tiếng Anh lắm, vì cái quy trình sư phạm ở “xứ thiên đường” khiến cho một con người trần tục như tôi cảm thấy không hào hứng, và thật sự chán ghét thậm tệ. Từ ghét cách giảng dạy làm tôi ghét lây sang cả tiếng Anh. Lúc đó mỗi lần ngồi trong phòng học đối với tôi là 1 thứ cực hình khốn nạn nhất.

Ít ra là tôi cũng có thứ để mà giải khuây, để chạy thoát khỏi những cảm giác tệ hại nhất mà tôi gặp khi ở trong “lớp học xứ thiên đường”.Thú vui đó đã được tôi nói rất nhiều, và hiện đang nằm trong những bài viết của blog này.. RE/security là phần riêng, còn phần chung, theo một chiều rộng hơn, là IT – Công nghệ thông tin. Không biết ai nêu ra cái thể loại “đi tắt đón đầu”, làm nó lây cả vào trong giới đi học lẫn giới tri thức, thành ra nhiều khi trở thành khốn nạn hết mực, nhiều cái mới được dùng nhan nhản ra mà không có nổi một cái tài liệu tiếng Việt, nếu có thì viết theo kiểu “dịch cho có”, người dịch búa xua, bậy bạ hết chỗ nói bởi vì chính người dịch cũng “đi tắt đón đầu”, không hiểu được bản chất nên dịch không sát nghĩa, rời rạc. Thành ra tôi phải đọc tài liệu tiếng Anh.

Căn bản tiếng Anh của tôi cũng có, chứ không phải dốt đặc. Nhưng tiếng Anh chuyên ngành, đọc câu được câu không, và đa phần không hiểu gì. Nhưng lúc đó tôi kệ thôi, đọc một lần không được thì nhai lại 3,4 lần, nhiều khi mình chưa hiểu nghĩa đã thuộc luôn từng chữ của cái câu đó rồi.

Tôi ít khi tra từ điển. Và tôi không thích việc là đọc có vài dòng chữ thôi mà phải lôi nguyên quyển từ điển ra để tra tra, dò dò. Quá vất vả.
Cái gì tôi cũng ghét, vậy tôi phải làm sao?

Và tôi đã nghĩ là: “Mình không thể ép những câu, những chữ này về tiếng Việt được, vậy tại sao mình không chuyển suy nghĩ của mình thành tiếng Anh?“. Đúng, quyển sách thì từ lúc nó viết ra nó đã luôn như vậy rồi, mình không thể biến nó thành quyển sách khác đuợc, thứ duy nhất mình có thể thay đổi được trong lúc này là lối tư duy của mình. Tại sao cứ phải dịch thành tiếng Việt, đó là mình tự làm khó mình rồi. Thế nên tôi tập cho mình cách tư duy bằng tiếng Anh.

Việc tôi làm là đổi ngôn ngữ điện thoại của tôi sang tiếng Anh. Tất cả cái gì có thể đổi được sang tiếng Anh. Như thế là tôi buộc mình phải dùng tiếng Anh mỗi ngày.
Nếu bảo tôi ôm quyển sách bài tập tiếng Anh để ngồi mà làm thì tôi khẳng định tôi sẽ tìm cách đá đít cái người đang nói với tôi câu đó ra khỏi chỗ tôi đang đứng/ngồi. Tôi không thể làm bài tập tiếng Anh kiểu chia động từ, hay phân biệt các thì, trọng ấm, đại từ phó từ mệnh đề…, nhưng cách đọc những từ xuất hiện trên màn hình điện thoại, máy tính, thì tôi đọc được, rất tốt, rất nhanh vì chúng rất trực quan

“Message” trong điện thoại có thể dịch thành “Tin nhắn”, tôi cũng chẳng dịch thành “tin nhắn” để mà nhớ, cứ biết “Message” thế thôi. Thế là từ sau trở đi, hễ cứ nhìn thấy “Message” là hiểu, chứ không cần loay hoay để hiểu xem nó là “tin nhắn” hay “thông điệp”, hay có thể là một “bức thư”?

“Option”, hễ cứ bấm vào đó là mình được chọn những cái mình cần, hoặc những cái mình thích. Thế nên sau này cứ thấy option là biết ngay, khỏi phải dịch thành “lựa chọn” , hay “tùy chọn”

“Category”, cứ bấm vào là thấy một đống thứ được sắp xếp, thế là về sau cứ gặp Category là hiểu, đâu có cần phải dịch ra thành “danh mục”, “chủng loại”, “phân loại” làm gì cho rối rắm chứ?

Vân vân và vân vân…..

Dần dần tôi đọc tài liệu tiếng Anh dễ hơn. Sách tiếng Anh, nhiều cuốn viết hay lắm. Người viết thường là sau khi đưa ra một khái niệm nào đó, người ta sẽ dành một phần khá dài ở phía sau để giải thích. Tôi lấy ví dụ này:

– Sách tiếng Việt: kiều int có kích thước 4 byte, biểu diễn được từ.-xxxx đến xxxx (xxxx là mấy tôi quên mất rồi, chắc chắn là lớn hơn 2 tỉ, youtube mới bị overflow lượt view cho Gang nam xì tai khi nó vượt ngưỡng lưu trữ của int).
Khi đọc xong tôi hỏi: tại sao lại là 2 tỉ hơn, mà lại không phải là số khác? Sách: Im lặng.
– Sách tiếng Anh có thể sẽ viết như sau, tôi nêu lại vắn tắt và có biến tấu cho thêm phần vui nhộn: Int có kích thước 4 byte, có thể lưu được các gía trị từ -xxxx đến xxxx. Bởi vì 1 byte = 8 bit, cứ 4 bit thay đổi gía trị 0 và 1 sẽ có 16 dạng, 2 cái 4 bit là thành 1 byte, mỗi cái 16 dạng => 16*16 =256 dạng biểu diễn => 4 byte, mỗi byte có 256 dạng => 256*256*256*256 = yyyyyyy (khoảng trên 4 tỉ), mà cần biểu diễn số âm nữa nên sẽ dành 1 nửa biểu diễn số âm, 1 nửa biểu diễn số dương, nên ra được cái số xxxxxx phía trên.
Nó viết kĩ như thế nên tôi chỉ còn nước ngồi gật gùi đồng ý và cặm cụi đọc tiếp thôi.

Từ đó trở đi, tôi chỉ đọc tài liệu tiếng Anh mà không động đến bất cứ quyển tài liệu tiếng Việt nào nữa. Khả năng tiếng Anh của tôi cũng từ đó mà tăng lên, vì cũng giống như việc tôi đổi ngôn ngữ điện thoại vậy, dùng lâu thành quen, quen rồi sẽ hiểu.

Việc ép cho tư duy của mình thành tiếng Anh mang lại hiệu quả lớn, và rõ rệt nhất khi tôi quen được những người bạn nước ngoài đầu tiên, và trao đổi với họ qua các ứng dụng instant messaging. Đã “instant” là phải nhanh, nên nếu ngồi vừa dịch vừa viết trả lời thì chắc vài phút mới gửi được một tin nhắn, vậy quá khổ sở. Cũng may cho tôi vì tôi không muốn dịch, và cũng không cần dịch (ít ra là trong trường hợp này), nên việc nói chuyện khá dễ dàng và không bị delay. Càng nói chuyện nhiều thì lại càng quen cái phong cách của họ, và càng hòa nhập hơn. Đó là điều tốt và may mắn cho tôi…

Lúc đầu thì sai tùm lum ngữ pháp, đến giờ cũng vậy. Nhưng mục đích của tôi chỉ là khiến nó (người nuớc ngoài) hiểu mình, và mình hiểu nó đang nói gì là được. Tất nhiên, nó biết tôi không phải người Anh hay mỹ hay Úc, cho nên nó chẳng cười tôi vì tôi viết sai hay viết thiếu, và tôi cũng chẳng phải cố uốn nắn cho đúng để chứng tỏ rằng ta đây cũng “không phải dạng vừa đâu”. Lúc đầu là thế, lâu rồi thì tôi quen hơn với văn phong của các tài liệu tiếng Anh, và cách viết của những người bạn nước ngoài kia. Chứ còn ngữ pháp ư, tôi chẳng biết và cũng chẳng quan tâm. Nỗi ám ảnh ở “lớp học xứ thiên đường” đối với tôi thế là đã quá đủ rồi.

Với những bạn yêu thích IT nói chung và security nói riêng giống tôi, thì chắc chắn tiếng Anh là bắt buộc. Và nếu bạn muốn giảm bớt khó khăn, thì hãy cứ làm theo tôi, “chuyển ngôn ngữ ở máy điện thoại của bạn thành tiếng Anh”, cũng như tư duy của bạn vậy, chuyển nó thành tiếng Anh.

3 thoughts on ““Hãy chuyển ngôn ngữ của chiếc điện thoại bạn đang dùng thành tiếng Anh…”

Leave a kudo...